“UCI tổ chức Ngày Bảo Tồn Lịch Sử tại Trung Tâm Horizon” – Người Việt Daily News (Aug 2, 2014)

UCI tổ chức Ngày Bảo Tồn Lịch Sử tại Trung Tâm Horizon

featured in Người Việt Daily News
by Linh Nguyễn
Published: Saturday, August 02, 2014 5:26:13 PM
Original article: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=192762&zoneid=3#.VAdb-mRdWwG

ORANGE, California (NV) – Nhiều đồng hương gốc Việt hưởng ứng Ngày Bảo Tồn Lịch Sử, mang tên “Thu Thập Ký Ức, Bảo Tồn Lịch Sử,” diễn ra vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, tại Trung Tâm Đa Văn Hóa Horizon, Orange, do Thư Viện Lưu Trữ Đông Nam Á (SEAA) và Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt (VAOHP) thuộc Đại Học UCI, cùng phối hợp tổ chức.

192762-DP-140802-UCI-1-400
Ông Trương Quang Tố, cựu hạ sĩ, khoe chứng chỉ tốt nghiệp Trường Công Binh Mỹ, Virginia 1973. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Cộng đồng người Việt tị nạn rất đa dạng và có mặt tại Hoa Kỳ trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Nếu không gìn giữ và lưu trữ thì lấy gì để lưu truyền lại cho thế hệ trẻ gốc Việt mai sau,” Giáo Sư Thúy Võ Đặng, chuyên gia của thư viện SEAA, và chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Trung Tâm Horizon, mở đầu phần thuyết trình, sau khi mọi người vui vẻ ăn bữa trưa do ban tổ chức khoản đãi.

“Vì thế, trước hết, chúng tôi mong quý vị giúp chúng tôi thu thập tài liệu. Những gì liên quan đến hành trình từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, xin hãy đem đến hoặc liên lạc với chúng tôi. Kế đến, chúng tôi sẽ sắp xếp lại cho có tổ chức, hướng dẫn cách duy trì các kỷ vật và tài liệu sao cho giữ được lâu để không thất lạc. Có như thế chúng ta mới có thể chia sẻ kinh nghiệm và các thế hệ sau có cơ hội được nghe và học hỏi,” vị giáo sư giải thích.

Kế đến, cô giới thiệu thành phần ban tổ chức gồm Giáo Sư Linda Võ, giáo sư môn văn hóa Mỹ; bà Ann Frank, thành viên Hội Đồng Quản Trị Trung Tâm Horizon, cựu quản thủ thư viện SEAA; và cô Trâm Lê, phụ tá giám đốc về lưu trữ của thư viện SEAA.

“Lịch sử của từng cá nhân quý vị rất quan trọng, vì 100 năm sau, cả một thế hệ sẽ muốn biết những người trong phòng này, ngày xưa họ đã làm gì, sinh sống ra sao. Lịch sử ở trong tay quý vị và chỉ cần quý vị ít nhất là 30 tuổi và sống ở miền Nam California là chúng tôi phỏng vấn,” cô Trâm Lê nói.

Ông Trương Quang Tố (bìa phải) và vợ con bên chiếc thuyền nan, vượt biên năm 1987, đến Thái Lan. (Hình chụp lại: Linh Nguyễn/Người Việt)
Ông Trương Quang Tố (bìa phải) và vợ con bên chiếc thuyền nan, vượt biên năm 1987, đến Thái Lan. (Hình chụp lại: Linh Nguyễn/Người Việt)

Hưởng ứng nhu cầu của ban tổ chức cần thu thập tài liệu và kỷ vật, nhiều người tham dự mang theo những hình ảnh cũ của gia đình, giấy tờ hộ tịch, căn cước VNCH và căn cước cựu quân nhân. Có người tới chỉ để được ngồi nghe lại một trong 150 câu chuyện kể mà ban tổ chức thu thập được từ năm 2011 đến nay.

Riêng ông Trương Quang Tố, 78 tuổi, cư dân Huntington Beach, là người đem theo nhiều hình ảnh và cả một câu chuyện vượt biên ly kỳ của gia đình ông để chia sẻ với mọi người.

“Tôi chuẩn bị vượt biên từ Cần Thơ nên tự làm một chiếc xuồng để đi. Tô chẻ tre và đan lại thành chiếc xuồng rộng 5 mét rưỡi, chất nước uống xung quanh và ra cùng vợ và hai con nhỏ ra khơi. Sau 7 ngày lênh đênh trên biển, tôi đến đảo Cophanrang Island ở Thái Lan,” ông Tố kể và chỉ tay vào tấm hình gia đình ông rời ghe lên bờ.

Ông gặp một người Áo và trở thành ân nhân vì tấm hình chụp được ông chuyển đến vị chỉ huy trưởng trường công binh Hoa Kỳ ở Virginia, nơi ông theo học sửa máy in khi ông còn là một hạ sĩ công binh VNCH năm 1973.

Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa (trái) bên ban tổ chức, cô Trâm Lê và Giáo Sư Thúy Võ Đặng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa (trái) bên ban tổ chức, cô Trâm Lê và Giáo Sư Thúy Võ Đặng. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Ông người Áo sau khi đưa hình và trao cho tôi hai bao thư. Một bao thư ghi địa chỉ liên lạc với trường công binh. Bao thư thứ hai, có 300 đô la và mấy trăm tiền Thái, cho tôi. Hôm nay tôi đem theo hình chiếc tàu và các bài của báo San Jose Mercury và San Louis News, Missourri, đăng về câu chuyện vượt biên của tôi,” ông cười và hãnh diện khoe những tài liệu ông đem tới cho ban tổ chức.

Jimmy Huỳnh, 25 tuổi, cư dân Santa Ana, đem bốn quyển album dày chứa đầy hình ảnh để nhờ ban tổ chức scan vì cha mẹ không đến tham dự được.

Cuối cùng là phần giải đáp thắc mắc.

Ban tổ chức cho biết là số lượng cần scan là không có giới hạn và ban tổ chức chỉ có ngân khoản dịch các tài liệu cá nhân chứ không đủ ngân khoản để dịch những tác phẩm đã ấn hành thành sách.

Ngoài số đồng hương tham dự còn có những người trẻ gốc Việt tình nguyện đến quay phim, chụp hình và ba nhân viên thư viện SEAA có mặt để scan các hình và tài liệu. Sau khi scan, bản chính được trả lại cho chủ nhân kèm theo một CD vừa được lưu trữ để đem về.

Võ Sư Đặng Thông Phong nay đã 80 tuổi và đến Hoa Kỳ năm 1986. Ông nêu ý ông muốn đóng góp là chính cuộc đời tị nạn với15 lần vượt biên của ông: “Tôi muốn thế hệ sau biết trường hợp người tị nạn như tôi đã trải qua những gian lao như thế nào.”

Buổi gặp gỡ đễ thu thập tài liệu lịch sử cũng có thêm phần triển lãm “Biểu Tượng Của Bản Ngã,” gồm các tác phẩm của 40 học viên cao niên thuộc chương trình Treasures của Viện Bảo Tàng Bowers do Họa Sĩ Trịnh Mai, một nghệ sĩ thuộc dự án VAOHP, tuyển chọn, cũng được nhiều người khen ngợi.

Quan khách tham dư, ngoài các giáo sư phân khoa Anh văn và nghiên cứu, còn có các dân cử như Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa, địa hạt 34, và nữ Nghị Viên Diana Carey của Westminster.

Mọi chi tiết, xin xem các trang web:
Thư Viện Lưu Trữ Đông Nam Á: http://seaa.lib.uci.edu/
Dự án Lịch Sử Truyền Khẩu Việt Nam: https://sites.uci.edu/vaohp/


Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

Skip to toolbar