Triển Lãm Tại Vùng Nam Cali: Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt – Việt Báo (Aug. 25, 2015)

Việt Báo | August 25, 2015 | [link to the article]

Santa Ana (Đoàn Hưng) – – Vào lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Sáu 21/08/2015, tại Old Orange County Courthouse (211 W Santa Ana Blvd Santa Ana, CA 92701) cuộc triển lãm “Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt” (VAOHP) tại vùng Nam Cali đã mở cửa để giới thiệu đến với giới truyền thông báo chí. Cuộc triển lãm chính thức sẽ được khai trương cho công chúng vào ngày Thứ Bảy 29/08/2015.

Đồng tổ chức của triển lãm này là cô Linda Trinh Vo (Ph.D) và cô Trâm L (M.A), đều làm việc tại Khoa Nghiên Cứu Người Mỹ gốc Á của đại học UCI. Cả hai cô cũng là người đang tổ chức thực hiện dự án VAOHP.

Tại cuộc triển lãm.

Dự án VAOHP bắt đầu thực hiện từ năm 2011, với mục đích phỏng vấn, ghi âm lại câu chuyện về cuộc đời của những người Mỹ gốc Việt (lịch sử truyền khẩu), hiện đang sinh sống tại vùng Nam Cali, nơi có số lượng người Việt sinh sống đông nhất tại hải ngoại. Mục đích chính của dự án là ghi lại câu chuyện về cuộc đời của “thế hệ tị nạn thứ 1”, lưu trữ lại cho các thế hệ sau, các nhà nghiên cứu, và cộng đồng tham khảo. Người được chọn phỏng vấn kể lại chuyện đời mình lúc còn ở Việt Nam, những ký ức về chiến tranh Việt Nam, về cuộc đời tị nạn khi rời Việt Nam sang định cư tại Mỹ. Cho đến nay, đã có khoảng 300 cuộc phỏng vấn được thực hiện, và hơn phân nửa trong số này đã được công bố trên trang mạng http://ucispace.lib.uci.edu/handle/10575/1614

Tại cuộc triển lãm.

Hiện vật được trưng bày trong cuộc triển lãm này là hình ảnh, trích đoạn phát biểu, một số kỷ vật của một số các nhân vật đã được phỏng vấn trong dự án VAOHP. Hình thức trình bày rất chuyên nghiệp. Nội dung triển lãm đa dạng, phong phú, thể hiện một phần nào câu chuyện không bao giờ kể hết của cộng đồng người Việt tị nạn, từ đời sống Sài Gòn những ngày trước 1975, cho đến những hoàn cảnh di tản, tị nạn, rồi đến giai đoạn hình thành, mở rộng cộng đồng ở miền Nam Cali. Những nhân vật được phỏng vấn bao gồm cả những gương mặt quen thuộc của cộng đồng như bác sĩ Bích Liên, hoạ sĩ Nguyễn Việt Hùng, Họa Sĩ Nguyên Khai, cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Trần Thy Vân, bà Kiên Tâm Nguyễn, thân mẫu của cô Linh Nguyễn và bác sĩ Tâm Nguyễn hiện là Giám Đốc Trường ABC Beauty College Bà cùng chồng là cựu Trung Tá Hải Quân đã thành lập ngôi trường nầy ngay từ những năm đầu tỵ nạn, trường cũng đã đào tạo hằng chục ngàn những nhân viên thẩm mỹ làm việc khắp nơi, họ là những người được cộng đồng biết đến nhiều. Ngoài ra có một số người khác như Trương Lệ Chi, Hoàng Đại Hải, Ngọc Hoa Lam, Nguyễn Thị Nhàn, Phạm Thị Dung cũng có những tấm hình lớn treo trên tường.

Tại cuộc triển lãm.

Bà Kiên Tâm Nguyễn cho biết, bà hãnh diện khi nhìn thấy hình ảnh của mình được để ở đây, và bà rất xúc động nhìn lại hình ảnh của Tâm và Linh lúc mấy người con của bà còn thơ bé. Cô Linh Nguyễn nói thêm, “Cháu sanh đẻ tại Mỹ, dù là mình biết những chuyện của mình từ hồi nhỏ do bố mẹ kể nhưng những người Mỹ hay người khác không biết gì về hoàn cảnh của mỗi người khi phải bỏ nước ra đi, nên đây là cơ hội để họ hiểu biết thêm về người Việt mình và biết về sự thành công của cộng đồng mình.”

Tại cuộc triển lãm.

Cô Trâm Lê, Giám Đốc Dự Án VAOHP, cho biết cô đã học hỏi rất nhiều điều qua việc thực hiện dự án này. Nhiều câu chuyện của thế hệ tị nạn thứ nhất đã làm cho cô thực sự xúc động. Theo cô, mọi câu chuyện kể của các tầng lớp khác nhau trong cộng đồng đều có ý nghĩa quan trọng như nhau. Chúng phải được lưu trữ lại, để cho thế trẻ sau này lớn lên ở nươc Mỹ có tài liệu tham khảo. Cô cho biết cô đã có dịp tiếp xúc với nhiều du học sinh từ Việt Nam qua. Các em không hề biết đến một lịch sử người Việt tị nạn nhiều đau thương và bi hùng như vậy. Mà ngay cả một số em sinh viên gốc Việt lớn lên ở Mỹ cũng biết rất ít về lịch sử tị nạn của ông bà, cha mẹ mình. Cô kêu gọi mọi người tiếp tục đóng góp câu chuyện của mình, đóng góp những kỷ vật về cuộc đời tị nạn cho văn phòng Văn Khố Đông Nam Á (www.humanities.uci.edu).

Tại cuộc triển lãm.

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Hùng, một trong những người được phỏng vấn có câu chuyện được triển lãm, cho biết anh rất hài lòng với tính chất chuyên nghiệp của cách trưng bày. Nhóm thực hiện là những người trẻ có trình độ, có tâm huyết, chắc chắn đã tham khảo nhiều cuộc triển lãm của dòng chính và của những cộng đồng khác, trước khi thực hiện cuộc triển lãm này. Nội dung không chỉ gợi nhớ lại quá khứ của cộng đồng người VIệt tị nạn, mà còn giúp người xem hiểu được thực tại, và dự đoán cho tươnh lai của cộng đồng. Anh cảm thấy hãnh diện vì được là một phần của cuộc triển lãm, và mong muốn nó sẽ được lưu diễn khắp nơi trên nước Mỹ.

Cuộc triển lãm mở cửa từ 8 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu. Riêng các thứ Bảy mở cửa từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, và sẽ kéo dài đến hết tháng Hai 2016.

Phòng triển lãm chính thức khai mạc vào lúc 1 giờ trưa thứ Bảy ngày 29 tháng 8, 2015 do GSV Andrew Đỗ chủ tọa.

Mọi chi tiết xin vào trang: www.sites.uci.edu/vaoph

Liên lạc xin gọi cô Thuy Vo Dang (949)824-1878; cô Trâm Lê (714) 794-9669.

Skip to toolbar