Học sinh gốc Việt thăm đại học UCI, tìm hiểu lịch sử cộng đồng

Thursday, January 09, 2014 8:53:56 PM Linh Nguyễn/Người Việt

IRVINE, California (NV) – Khoảng 30 học sinh từ lớp 9-12 của Trung Học Garden Grove đến thăm để học hỏi lịch sử người tỵ nạn Việt Nam và các dân tộc Á Châu khác, vào lúc 9 giờ sáng Thứ Năm tại Thư Khố Đông Nam Á (Southeast Asian Archive) trong Thư Viện Jack Langson của Đại Học UCI.

Em Tammy La, 15 tuổi, lớp 9, chỉ vào hình mẹ của em trong cuốn sách “Qua Cơn Bão Dữ” (The Stormy Escape) của Kim Hà. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

 Cùng đi với phái đoàn, còn có sự hiện diện của Luật Sư Chris Phan, nghị viên Garden Grove, ông Nguyễn Quốc Bảo, ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, và một số giáo sư trong học khu.

Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng, phụ trách sưu tầm các di vật lịch sử của thư khố, và cũng là một trong những người hướng dẫn chương trình, cho biết mục đích tổ chức các chuyến thăm của học sinh trung học.

“Chúng tôi rất hân hạnh đón tiếp các em học lớp lịch sử người Mỹ gốc Việt của Trung Học Garden Grove năm nay là năm thứ hai. Tôi rất vui khi thấy các em hăng hái tìm hiểu về lịch sử của cộng đồng mình.”

Học sinh được ban tổ chức hướng dẫn cách vào trang mạng của thư khố và đi thăm thư khố, đặt trên tầng lầu năm của thư viện. Các kệ sách trưng bày đa số là sách tiếng Việt, bên cạnh là các tủ đựng hồ sơ.

Các em được tận mắt nhìn và cầm đọc những lá thư viết tay của thuyền nhân Việt Nam, các bản tin viết trong các trại tị nạn Đông Nam Á hồi thập niên 1970.

Đặc biệt là phản ứng của em Tammy La, 15 tuổi, lớp 9, khi đọc bản thảo các trang sách “Qua Cơn Bão Dữ” (The Stormy Escape) của Kim Hà. Em trố mắt chỉ vào một tấm hình trên trang 242 và nói “hình mẹ em nè!”

Mọi người đổ xô tới xem. Tiến Sĩ Thúy vui mừng ra mặt và xúc động không kém gì em học sinh tìm thấy vết tích của cha mẹ mình khi vượt biên gần 40 năm trước.

“Đây cũng là lý do tôi phụ trách công việc duy trì và chia sẻ lịch sử của chúng ta tại UCI. Tương lai rất sáng lạn khi chứng kiến các phản ứng của các em với những gì các em học hỏi được,” Tiến Sĩ Thúy nói thêm.

Học sinh chăm chú ghi lại hình ảnh tị nạn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau đó, các em được Giáo Sư Steve MacLeod giảng về đặc tính của các di vật và cách gợi chuyện để các chứng nhân kể lại câu chuyện và kinh nghiệm họ trải qua. Người kể lại có thể là ông, bà, người lối xóm, hay qua các trang mạng mà các em muốn phỏng vấn.

Các em được xem các họa phẩm do thuyền nhân vẽ. Nhiều bức ghi lại những cảnh kinh hoàng của thuyền nhân bị thanh lọc ở Hồng Kông, ở Thái Lan, trong đó có hình đôi mắt nhỏ máu sau hàng rào kẽm gai của trại tị nạn.

“Tụi con thấy chuyến đi thăm này hay. Con xúc động khi nhìn tấm hình ‘Đôi mắt chảy máu,’” em Nguyễn Đỗ Hoàng Linh, 16 tuổi, lớp 11, chia sẻ tâm sự cùng với  hai bạn là Nguyễn Thị Phương Linh và Nguyễn Thị Ngân Thanh. Cả hai đều 14 tuổi và cùng học lớp 9.

Giáo Sư Steve MacLeod kể chuyện một em cả buổi chỉ nhìn vào một trang sách, sau ông mới biết là em học sinh đó nhận ra tấm hình của chính em trong cuốn sách!

Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng cũng góp ý về trường hợp người bảo trợ cho biết bà này còn giữ các lá thư với nét chữ viết tay của cô bé Thúy khi đến Mỹ, lúc ấy 4 tuổi, và mời viết thành sách.

Ông Nguyễn Quốc Bảo cũng được hướng dẫn thăm nơi chứa các hồ sơ về người tị nạn Việt Nam, như Project Ngọc, một số hồ sơ của Trung Tâm Đa Văn Hoá Saint Anselm, v.v… để trong phòng có nhiệt độ được điều chỉnh tránh phương hại cho các tài liệu. Cửa ra vào có hệ thống báo động.

Các em sinh hoạt chung với thành viên SASA. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Các em cần biết nguồn gốc của mình. Trong đó có việc học tiếng Việt là rất quan trọng. Phải học thì mới đọc được các tác phẩm văn hóa Việt Nam,” ông nói.

Cô Trâm Lê, một thành viên của dự án Lịch Sử Truyền Miệng (VAOHP) của người Mỹ gốc Việt, nhận xét: “Các chuyến thăm như thế này  không phải chỉ cho các em thấy những gì đại học UCI muốn các em thấy, mà là để các em hiểu về lịch sử cộng đồng sau khi các em hoàn tất trung học, và ra xa hơn nơi các em sinh sống.”

“Các em, qua chương trình VAOHP, có thể liên tưởng rằng những câu chuyện kể có thể là của chính cha, mẹ, ông bà hay lối xóm của các em mà các em sẽ không bao giờ đọc được qua sách sử,” cô nói thêm.

Em Trang Nguyễn, 14 tuổi, học lớp 9, trước năm 2009 ở Vũng Tàu, cho biết: “Con học được rất nhiều điều tốt, lịch sử của người Việt mình.”

Sau cùng, các em được chia thành bốn nhóm và sinh hoạt tìm hiểu các đề tài như chọn ngành học, chọn tham gia các câu lạc bộ sinh viên, kết nối với bạn hữu, làm sao để tìm sự giúp đỡ ở đại học. Phần này được các em Pauline Đặng, Kathy Đông, Catherine Hy và Tyler Hom,sinh viên UCI và là hội viên của tổ chức SASA (Southeast Asian Archive Student Association, hướng dẫn.

Anh Andy Lê, 21 tuổi, sinh viên UCI, học ngành Tội Phạm Học (Criminology), là người sáng lập hội SASA để sinh hoạt với thư khố và chương trình VAOHP.

Đặc biệt, hai vị dân cử cũng tham gia các nhóm để cùng sinh hoạt và đóng góp ý kiến cho các em học hỏi.

Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng: “Chúng tôi thích giữ cuộn băng VHS, Saigon USA, hơn là DVD.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông David Doser, giáo sư môn lịch sử người Mỹ gốc Việt tại Trung Học Bolsa Grande, Garden Grove, chia sẻ: “Chúng ta cần một thư khố như thế này để các em có thể thấy được nhiều góc cạnh của các nền văn hóa khác nhau. Nếu không, các di vật ấy có thể mất theo thời gian. Kể từ năm tới, Bolsa Grande sẽ có lớp này.”

Bà Christina J. Woo, quản thủ thư viện văn hóa Chicano và Latino của UCI, khuyên các em: “Hãy vẽ cho mình một không gian, hãy đặt một ô cho các di vật lịch sử của gia đình, của lối xóm hay của cộng đồng mình vào đó.”

Em Peter Bảo Thạch Hải, 17 tuổi, lớp 12, khoe ông ngoại em là lính VNCH. Em cho biết em và các bạn bán rất nhiều kẹo chocolate để có $500 trả tiền thuê xe bus cho chuyến đi thăm UCI.

Chuyến thăm thư khố mang tính giáo dục cho đến giờ phút chót.

“Các em dùng bữa trưa với bánh mì chay, bánh mì thịt, bánh mì gà và uống nước đá chanh kiểu Việt Nam. Đặc biệt là ban tổ chức không dùng dĩa bằng nhựa, và chủ trương quan tâm đến các vật liệu môi trường xanh,” cô Cathy Lâm, một cựu sinh viên UCI phụ trách cung cấp thực phẩm, nói.

Muốn tìm hiểu về dự án Lịch Sử Truyền Miệng (VAOHP), xin vào: https://sites.uci.edu/vaohp/ hay nghe các câu chuyện được kể lại, tại: http://ucispace.lib.uci.edu/handle/10575/1614


Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

 

Skip to toolbar