Viet Focus: Từ tỵ nạn đến cộng đồng năng động – BBC (Sept. 4, 2015)
BBC – VIETNAMESE | SEPTEMBER 14, 2015 | by Vũ Quý Hạo Nhiên | [link to article]
Một tờ “Giấy Phóng Thích” của “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” cấp cho Thiếu Úy Nguyễn Thanh Lâm năm 1976. Một bức thư của một nha sĩ ở Virginia bảo trợ cho đồng nghiệp Quỳnh Nguyễn để gia đình ông này vào Mỹ năm 1975.
Những số báo tiếng Việt làm ngay tại đảo Guam đầu tháng 5 năm 1975. Một bộ hồ sơ di trú với hình quang tuyến chụp phổi vào túi xách do ICM cấp cho người tỵ nạn trên đường vào Mỹ.
Những hiện vật như thế, và nhiều hơn nữa, đang được trưng bày tại Old Courthouse của Quận Cam, California, và sẽ kéo dài tới tháng 2, 2016. Cuộc triển lãm mang tên “Viet Focus” bao gồm lịch sử và nghệ thuật, do Dự án Lịch sử Truyền khẩu Người Mỹ gốc Việt (viết tắt VAOHP theo tên tiếng Anh) tại đại học University of California, Irvine, thực hiện.
Cuộc triển lãm có video, hình ảnh, tài liệu, hiện vật, và cũng trưng bày những câu chuyện đời của nhiều người, cho thấy sự đa dạng phong phú của người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam, hầu hết thu thập từ VAOHP và Văn khố Quận Cam và Đông Nam Á (OC & SEAA) cũng của UCI. Gần hai phần ba hiện vật có thêm được do những cá nhân cho mượn để trưng bày.
“Thế hệ đầu tiên của người tỵ nạn Việt Nam đang nhanh chóng qua đi, và những câu chuyện và lịch sử những gì họ trải qua sẽ mãi mãi mất đi, nếu không được thu thập và giữ lại,” Trâm Lê, Phó Giám đốc VAOHP và một đồng giám tuyển cuộc triển lãm, nói.
Trong cuộc triển lãm có một cuốn phim dài 17 phút, do Khiêm Photo Studio thâu vào cuối thập niên 1970, khi khu Bolsa đang bắt đầu thành hình với vài mươi cửa tiệm mang bảng tên tiếng Việt. Ở đây, họ bán những thứ mà người Việt cần dùng, hoặc cần gửi về cho thân nhân tại Việt Nam: Thực phẩm Á Đông, vải, thuốc tây, dịch vụ di trú. Những cửa tiệm này đa số không còn nữa, thay vào bằng nhiều tiệm mới và khu Phước Lộc Thọ nổi tiếng.
Sự phát triển của Little Saigon không phải dễ dàng. Cuộc triển lãm có trưng bày một bức thư của cựu thị trưởng thành phố Westminster, bà Kathy Buchoz, trong đó bà lên tiếng chống lại một bức thỉnh nguyện thư, thu thập được hơn 100 chữ ký, của cử tri thành phố đòi rút lại giấy phép kinh doanh của một siêu thị Việt Nam trên đường Bolsa, đồng thời đòi thành phố “không cấp giấy phép cho người tỵ nạn Đông Dương mở doanh nghiệp trong khu phố Việt.”
Tiến sĩ Linda Võ, đồng giám tuyển và trưởng khoa Asian-American Studies tại UCI, cho biết việc nghiên cứu và thu thập tài liệu cho cuộc triển lãm này đã bắt đầu từ lâu.
“Ngay từ lúc tôi còn đang học tiến sĩ, tôi đã nghiên cứu và viết về người Mỹ gốc Việt, và làm tình nguyện cho các tổ chức Việt Nam địa phương, và tất cả các kiến thức và nối kết này là nền tảng hữu ích cho việc thu thập tài liệu cho triển lãm.”
Văn khố Đông Nam Á được khởi đầu năm 1987, còn dự án VAOHP phải gây quỹ trong cả thập niên mới khởi đầu được vào năm 2011. “VAOHP bắt đầu phỏng vấn và thu thập lịch sử truyền khẩu của người Việt Quận Cam từ năm 2011,” Trâm Lê cho biết, và đến năm 2015 thì Linda Võ, Trâm Lê, cùng Tiến sĩ Thúy Võ-Đặng xuất bản cuốn sách “Vietnamese in Orange County.”
“Tuy nhiên, để thực sự làm lịch sử này được sống động, chúng tôi cần phải tạo ra một không gian mà công chúng có thể nghe những câu chuyện, cảm được cuộc hành trình, và tận mất xem được các hiện vật. Chúng tôi biết sẽ phải làm một triển lãm bao gồm lịch sử, nghệ thuật, và các câu chuyện.”
Phần nghệ thuật của cuộc triển lãm gồm 9 tác phẩm của họa sĩ Trinh Mai, artist-in-residence của VAOHP. Một trong những tác phẩm này mang tên “Quiet,” là một tác phẩm sắp đặt. Trên trần nhà ở trung tâm phòng triển lãm, Trinh Mai treo những dải vải trắng và trên mỗi dải, cô vẽ chân dung một người Việt Nam đã mất tích trên đường vượt biên. Những dải vải trắng này, cô nói, tượng trưng cho khăn tang.
Qua sáng tác cho triển lãm này, Trinh Mai nhận ra rằng “chỉ có người anh hùng mới hy sinh thân mình cho Tự do. Đây là những người đã nhận ra gái trị của chính cuộc đời họ, của cuộc đời các thế hệ theo sau họ. Và họ đã tranh đấu, dù chỉ đơn giản là giữ tình thần muốn sống. Đây là những láng giềng trong cộng đồng mình, và thật sự chúng ta đang sống giữa những người anh hùng.”
Linda Võ, cũng là Giám đốc VAOHP, miêu tả cuộc triển lãm là “một dự án khiêm tốn để kể câu chuyện người Mỹ gốc Việt theo góc nhìn của chúng ta, với một ngân sách cực kỳ eo hẹp và nhân sự rất ít.”
“Trong căn phòng trống này,” cô nói tiếp, “chúng tôi muốn đấu lại với câu chuyện cũ kiểu ‘những người được cứu vớt’ trong đó chúng ta chỉ đóng vai trò những nạn nhân thụ động, hay những người ‘thiểu số gương mẫu’ đang sống ‘giấc mơ Mỹ,’ vì đó là những định kiến hẹp hòi và ngây ngô.”
Trâm Lê và Linda Võ có mục tiêu lớn cho cuộc triển lãm. Theo Trâm Lê, “Chúng tôi muốn xóa tan những định kiến hẹp hòi mà người ta nghĩ về cộng đồng, vì việc đó có xu hướng dẫn tới thành kiến và sự kỳ thị.”
Linda Võ thì nói, “Chúng tôi muốn trình bày những khía cạnh phức tạp và nhiều sắc thái hơn của lịch sử chúng ta, những con người đã phải đối mặt với những hoàn cảnh và chọn lựa vượt mức bình thường.”
Cuộc triển lãm sẽ tiếp tục mở cửa tới hết tháng 2, 2016. Linda Võ và Trâm Lê sẽ soạn một cuốn sách tập hợp nội dung cuộc triển lãm, và sau đó, nếu có nhu cầu, sẽ mang cuộc triển lãm di động đi các địa phương khác.
Bài thể hiện quan điểm và cách nhìn của blogger Vũ Quý Hạo Nhiên từ Orange County, California, Hoa Kỳ.